Tập đoàn Sơn Kim: Không ngừng học hỏi và thách thức khó khăn

Thứ 3, 26 Tháng 11, 2013

“Không ngừng học hỏi và thách thức khó khăn” là bài chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hồng Trang – TGĐ Tập đoàn Sơn Kim trong hội thảo “Hội thảo “Khởi nghiệp – kiến quốc công thức thành công từ các cường quốc và bài học cho Việt Nam”. VF xin giới thiệu đến các bạn toàn bộ nội dung bài trình bày này.

 
Bà Nguyễn Thị Hồng Trang – Ảnh: VGP/Phan Hoàng

Tôi bắt đầu sự nghiệp của mình khi bước chân vào giảng đường đại học, nhưng không phải ngành kinh tế mà là ngành sư phạm. Năm đó, tôi thi đậu ba trường: Đại học Luật, Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp. Mẹ tôi, một doanh nhân được nhiều người biết đến lúc bấy giờ, chỉ chia sẻ suy nghĩ: làm kinh doanh là cả một hành trình khó nhọc, thôi con gái theo nghề sư phạm để có một cuộc sống có ý nghĩa và bình an hơn mà vẫn đóng góp được nhiều cho xã hội.

Vậy là tôi đi học sư phạm với suy nghĩ sẽ trở thành một giáo viên thật tốt. Và tôi đã làm được việc này. Thời gian đi dạy học, tôi liên tục tham gia các hội thi giáo viên giỏi và vì vậy được tham gia giảng dạy tại một trường rất có uy tín là Cao đẳng Sư phạm TP.HCM. Đến thời điểm hiện nay, tôi vẫn tiếp tục công việc làm giảng viên nhưng chuyển sang các môn thiên về tiếp thị, kinh doanh chứ không phải các môn khoa học xã hội như trước đây nữa.

Thời điểm tôi đi học, gia đình vẫn duy trì công việc kinh doanh và tôi được giao đảm nhiệm một khâu khá đơn giản: kế hoạch hóa, thực chất là kiểm soát để chống thất thoát hàng hóa. Nhưng có lẽ bị ảnh hưởng bởi gene kinh doanh, nên tôi rất thích xem cách mọi người làm việc và từng bước xin theo học nghề và tham gia dần vào đủ mọi khâu của một công ty may mặc.

Năm 2001, một bước ngoặt lớn xảy ra, là công ty của gia đình tôi liên doanh với đối tác Nhật Bản để đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu và thâm nhập thị trường trong nước chứ không đơn thuần là xuất hành đi nước ngoài như trước đây. Thời điểm đó, gia đình tôi, đặc biệt là mẹ tôi, lại đang bận rộn với việc của nhà nước nên không thể có thời gian cho công ty ở nhà. Vậy là 26 tuổi, tôi được giao làm giám đốc điều hành. Lúc đó, có lần một đối tác Nhật có nói với tôi một câu: Phải tự đứng trên đôi chân của mình thì mới đi xa được.

Tôi tin điều này, và bắt đầu tập trung toàn bộ sức lực vào công việc. Không có chỗ dựa của gia đình, chỉ có niềm đam mê với công việc truyền lại, tôi tin mình có thể bước đi trên chính đôi chân của mình.

Mỗi năm, ngành may mặc Việt Nam mang lại doanh số xuất khẩu rất lớn, có khi lớn đến 20 tỷ USD, nhưng chủ yếu là may gia công và đóng góp chỉ có một phần nhân công giá rẻ. Tôi suy nghĩ nhiều, suy nghĩ hoài về việc làm thế nào để có thể cải thiện tình hình này. Và quyết định đầu tiên của tôi, là tìm người nước ngoài để bổ sung điều mà người Việt Nam chưa giỏi vì hạn chế không tiếp cận kịp trào lưu chung của thế giới trong nhiều năm liền: thiết kế thời trang. Cùng lúc đó, trong lòng tôi vẫn vững một niềm tin rằng nếu muốn, nếu đủ đam mê, mình cũng có thể học được mọi thứ. Vì vậy, tôi và cả đội ngũ của mình liên tục đi học ở nước ngoài, tìm cách cọ xát với các đối tác lớn để từng bước nâng cao tay nghề cũng như suy nghĩ của mình đối với lĩnh vực này. Đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) hiện là khâu đầu tư lớn nhất của Sơn Kim và đến 1/3 quỹ lương của chúng tôi dành cho R&D. Liên kết hợp tác với nước ngoài, điều chúng tôi yêu cầu ở đối tác là chuyển giao công nghệ, các công trình sáng tạo cho đội ngũ trẻ của Sơn Kim.

Tôi cho rằng, những thành công mà tôi đang có được là nhờ liên tục học hỏi và không bao giờ đầu hàng các khó khăn. Đây cũng là điều mà ngành sư phạm đã đào tạo tôi. Học không bao giờ là đủ, khi mà cơ hội luôn xuất hiện quanh mình và đòi hỏi những nỗ lực không ngừng để có thể tiến về phía trước.

Hiện nay, tôi vẫn luôn thúc bách bản thân mình phải học để làm chủ những công nghệ mới, để giải những bài toán kinh doanh mới. Chẳng hạn, trong ngành kinh doanh của Sơn Kim chúng tôi thì đồ lót là một sản phẩm chiến lược. Để có một sản phẩm đúng chuẩn, cần hơn hai mươi công đoạn và nguyên phụ liệu khác nhau, cũng như kỹ thuật cắt may, làm khuôn phức tạp. Đó là chưa kể việc làm ra sản phẩm tốt, còn phải xây dựng thương hiệu và tiếp cận thị trường. Tôi đang nỗ lực mỗi ngày để hoàn thiện mô hình cửa hàng phân phối với một trải nghiệm mua sắm hoàn toàn mới cho người tiêu dùng. Sẽ có khoảng 200 cửa hàng như vậy ở Việt Nam và một ngày không xa những cửa hàng này sẽ có mặt tại các thị trường quốc tế.

Sức mạnh của chúng ta, khởi nguồn từ khát vọng và nguồn năng lượng chính là sự đam mê, không ngừng học hỏi và kiên trì vượt khó.

Latest news