Sơn Kim và cuộc chơi Holding

Thứ 5, 17 Tháng 10, 2013

Xuất phát từ một gia đình có truyền thống 60 năm trong ngành may mặc, 20 năm trong lĩnh vực nội y, ngày nay Sơn Kim đã trở thành một doanh nghiệp hoạt động theo mô hình holding, tham gia vào 3 lĩnh vực bán lẻ, bất động sản và truyền thông với doanh thu 800 tỉ đồng.

Tháng 7 vừa qua, khoản tiền 37 triệu USD đã được EXS Capital, một quỹ đầu tư có trụ sở tại Hồng Kông, rót vào Công ty Cổ phần Bất động sản Sơn Kim (Sơn Kim Land). Đây là 1 trong 2 khoản đầu tư hiếm hoi của các quỹ nước ngoài vào công ty bất động sản Việt Nam trong vòng 3 năm trở lại đây. Khoản đầu tư còn lại là gói 200 triệu USD của Warburg Pincus rót vào Vincom Retail, công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup.

Sơn Kim Land là ai và tại sao EXS Capital lại chọn Sơn Kim Land trong số 27 công ty bất động sản khác của Việt Nam được quỹ này khảo sát để rót vốn?

Đó là những câu hỏi mà chúng tôi dự định đặt ra cho anh Nguyễn Hoàng Tuấn, thành viên sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Sơn Kim Group. Tuy nhiên, trong cuộc gặp với anh tại văn phòng của công ty này, câu chuyện đã đã hé mở nhiều điều thú vị không chỉ liên quan đến bất động sản.

17102013-1.jpg 
Jockey đang chiếm 50% thị trường nội y cao cấp cho nam. Ảnh: Trường Nikon

Khởi nghiệp từ nội y

Nguyễn Hoàng Tuấn, sinh năm 1970 là thế hệ thứ ba trong một gia đình có truyền thống kinh doanh may mặc. Doanh nghiệp tư nhân Đại Thành do ông ngoại anh thành lập từng rất thành công tại Sài Gòn những năm 1950. Sau khi đất nước thống nhất, Đại Thành được chuyển đổi thành mô hình hợp tác xã và được nhà nước vinh danh với những giải thưởng danh giá như Huân chương lao động hạng ba năm 1982, Huân chương lao động hạng nhì năm 1984.

Mẹ anh, bà Nguyễn Thị Sơn, là người đặt nền móng đầu tiên và phát triển Legamex thành một trong những doanh nghiệp may mặc xuất khẩu lớn nhất Việt Nam đầu thập niên 1990 với tổng số nhân công lên đến gần 10.000 người.

Quyết định khởi nghiệp và đi theo nghề truyền thống của gia đình, nhưng Hoàng Tuấn không chọn lĩnh vực thời trang thông thường. Phát triển ngành nội y là lựa chọn của anh.

“Tại các nước lớn, thị trường nội y rất phát triển, trong khi Việt Nam vẫn chưa có khái niệm về thị trường này”, Nguyễn Hoàng Tuấn nói về lý do anh cân nhắc đầu tư vào lĩnh vực nội y sau khi trở về từ Úc năm 1996.

Thương hiệu Vera ra đời năm 1997 là kết quả của liên doanh giữa Quadrille Nishida với hơn 40 năm kinh nghiệm và Sơn Kim (Công ty Liên doanh Q&V). Sản phẩm đồ nội y, đồ ngủ của Vera không chỉ thể hiện được tinh hoa kỹ thuật bậc nhất của người Nhật mà còn là tay nghề khéo léo và sự thông hiểu thị trường của người Việt.

Theo Hoàng Tuấn, phát triển một thương hiệu nội y không hề đơn giản. Một chiếc áo ngực được tạo nên từ không dưới 20 chi tiết và 10 chất liệu, mà tất cả màu sắc phải hài hòa, đồng bộ. Để phát triển một cách bài bản và nắm vững tất cả kỹ thuật thiết kế sản xuất. “Tôi may mắn được hợp tác với một đơn vị nước ngoài có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này”, Tuấn nói.

Tiếp nối thành công của Vera, Công ty tiếp tục cho ra đời thương hiệu đồ mặc ở nhà Wow dành cho phụ nữ vào năm 1999. Ngày nay, Liên doanh Q&V đang sở hữu 4 thương hiệu Vera, Wow, Woweco, Misaki, với hơn 80 cửa hàng trực thuộc và hơn 100 điểm bán trên cả nước. Vera và Wow luôn nằm trong top thương hiệu nội y và đồ mặc ở nhà mạnh nhất tại Việt Nam với thị phần trên 20%.

Với những lợi thế về sản xuất, năng lực thiết kế và phát triển hệ thống bán lẻ, năm 2002, Công ty Cổ phần Thời trang Sơn Kim đã thành công lấy được nhượng quyền toàn phần thương hiệu Jockey, một thương hiệu đồ lót trung cao cấp của Mỹ, cho thị trường Việt Nam. Hợp đồng nhượng quyền 5 năm sau đó đã được tái ký và gia hạn đến năm 2022. Jockey hiện có hơn 80 cửa hàng và hệ thống bán sỉ, chiếm khoảng 30% thị phần đồ nội y nam có thương hiệu tại Việt Nam.

Mặc dù thành danh từ lĩnh vực nội y, nhưng trong mô hình kinh doanh hiện nay của Sơn Kim, nội y không là lĩnh vực duy nhất.

Đến bất động sản

Nếu như với thời trang là một lĩnh vực có nền tảng 60 năm thì với bất động sản, theo lời Tuấn là nó cũng xuất phát từ nền tảng của gia đình. Một kiểu tích lũy của người dân gốc Bắc, nói theo cách của Tuấn là “cứ làm ăn có tiền thì mua đất mua đai”.

 
Mô hình holding cho phép nhà đầu tư nhảy vào chớp thời cơ ở một lĩnh vực đang lên cũng như thoát khỏi một lĩnh vực đó một cách dễ dàng. Ảnh: Trường Nikon

Những năm 1990, hoạt động kinh doanh bất động sản của thị trường còn rất sơ khai. Tuy nhiên, mẹ của Tuấn, bà Nguyễn Thị Sơn là người đi đầu trong việc liên doanh với tập đoàn Hồng Kông xây dựng căn hộ cao cấp cho thuê đầu tiên tại TP.HCM vào năm 1996.

Tiếp nhận mảng kinh doanh bất động sản của gia đình từ năm 1998, Nguyễn Hoàng Tuấn đã có được những thành công ban đầu trong việc phát triển khu nghỉ dưỡng, cao ốc văn phòng và hiện Tuấn đang định hướng phát triển mảng bất động sản của Sơn Kim Land theo mô hình phát triển dự án, mua bán sáp nhập, khai thác và quản lý bất động sản.

“So với nhưng công ty bất động sản khác, quỹ đất của Sơn Kim Land không nhiều, nhưng đều là những vị trí đắc địa”, Tuấn nói. Cụ thể, Sơn Kim Land hiện có 5 dự án bất động sản, gồm 2 dự án căn hộ và trung tâm thương mại tại quận 2, 1 dự án phức hợp văn phòng thương mại tại quận 1, 1 dự án khách sạn tại quận 1và 1 dự án khu nghỉ dưỡng tại Phan Thiết.

Sau khi thoái vốn ở Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Biển Xanh (đơn vị đầu tư vào dự án Khu Nghĩ dưởng Biển Xanh) năm 2010, và Công ty Cổ phần Việt Bắc (đơn vị đầu tư vào dự án bất động sản Sentinel Place) đầu năm 2013, Sơn Kim Land đang quản lý một cao ốc văn phòng tại trung tâm TP.HCM.

Với 49% cổ phần cho khoản đầu tư 50 triệu USD (rót trước 37 triệu USD như cam kết trong tháng 7 vừa qua), Sơn Kim Land được EXS Capital định giá hơn 100 triệu USD.

Và mô hình Holding

Từ năm 2007, Sơn Kim đã chuyển đổi công ty sang mô hình holding dưới tên Công ty Đầu tư Sơn Kim (Sơn Kim Group), hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là bán lẻ, bất động sản và truyền thông.

Ở lĩnh vực bán lẻ, ngoài việc phát triển, sản xuất, nhượng quyền đồ nội y, kinh doanh đồ gỗ nội thất SB Funiture (thương hiệu nội thất hàng đầu và là một trong những biểu tượng của Thái Lan), Sơn Kim Group còn là đối tác của GS SHOP (công ty mua sắm tại nhà đứng đầu Hàn Quốc trực thuộc Tập đoàn GS) trong liên doanh sở hữu kênh mua sắm tại nhà thương hiệu VGS SHOP, đang được phát sóng 24h trên 4 mạng cáp lớn HTVC, VTC, HCTV, IPTV và một số mạng cáp tỉnh.

Với lĩnh vực truyền thông, Sơn Kim hiện là cổ đông chi phối của Công ty Cổ phần Tầm Nhìn 21, hoạt động trong lĩnh vực đa truyền thông, đa dịch vụ với 3 phim trường lớn tại TP.HCM.

 
Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sơn Kim Group. Ảnh: Tuyển Phan

Không chỉ có Sơn Kim, mô hình holding đang trở thành xu hướng ở các doanh nghiệp Việt Nam. Có thể kể đến một số trường hợp tiêu biểu như Masan Group, Sovico Holding, PVI Holding, Eurowindow Holding...

Theo ông Nguyễn Nam Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietnam Capital Parners, cũng giống như mô hình holding trên thế giới, các holding ở Việt Nam không trực tiếp sản xuất kinh doanh mà hoạt động theo hình thức đầu tư vốn, hỗ trợ chiến lược và nhân sự cho công ty con. Điểm khác nhau là các holding ở Việt Nam thường xuất phát từ một công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh, sau đó do quy mô phát triển mới lập ra các công ty con và phân chia trách nhiệm, khác với thế giới thường là huy động vốn thành lập holding rồi tiến hành giải ngân.

Có rất nhiều mục đích để một công ty chuyển thành một holding. Tuy nhiên, thông thường 2 mục tiêu lớn nhất các ông chủ doanh nghiệp kỳ vọng ở mô hình holding là xây dựng tính tự chủ và giúp các công ty con huy động vốn.

“Lợi thế của mô hình holding là cho phép các nhà đầu tư khác nhau có thể đầu tư vào các công ty con theo khẩu vị riêng của họ. Bên cạnh đó, do được tách bạch, độc lập trong việc rót vốn cũng như điều hành nên các công ty thành viên hoạt động minh bạch, tập trung và hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Nam Sơn nhận định.

Chẳng hạn, thay vì đầu tư vào Masan Group, quỹ đầu tư của Mỹ KKR chỉ chọn Masan Consumer, trong khi Mount Kellett lại chọn mỏ Núi Pháo. Tương tự, ở Sơn Kim Group, thay vì đầu tư vào công ty mẹ thì EXS Capital chỉ rót vốn vào mảng Sơn Kim Land.

Một lợi thế nữa mà Sơn Kim Group đang có được từ mô hình holding chính là sự tích hợp và hỗ trợ qua lại giữa 3 nhóm ngành bán lẻ, bất động sản và truyền thông. Trong ngành bán lẻ lợi thế quy mô là rất quan trọng. Nền tảng bất động sản sẽ giúp Sơn Kim mở rộng quy mô bán lẻ một cách nhanh chóng. Tương tự như vậy, truyền thông sẽ hỗ trợ để thúc đẩy phát triển thương hiệu cho 2 nhóm ngành chính.

Vậy thách thức của mô hình holding là gì? Theo ông Nguyễn Nam Sơn, Vietnam Capital Partners, đó là làm sao xây dựng được các hệ tiêu chuẩn về quản trị, tài chính, kinh doanh để holding có thể kiểm soát chặt chẽ các công ty con.

Nguyễn Hoàng Tuấn cũng nhìn nhận rõ vấn đề này. Theo anh, mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay trên thế giới là không còn đi theo một lĩnh vực sản xuất cố định.

“Đây là thời đại của mua bán và sáp nhập (M&A). Sứ mệnh của ông chủ là tạo dựng một nền tảng hạ tầng (flatform) tốt, để khi đặt vào bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể hoạt động ổn định. Với một nền tảng tốt thì tính tương thích, hỗ trợ, hiệu quả của cả nhóm sẽ được nâng lên rất nhiều”, anh nói.

Sau khi thành công gọi vốn cho Sơn Kim Land, Sơn Kim Group đang bắt tay vào tiến hành tái cấu trúc mảng bán lẻ, một mặt để củng cố hệ thống quản lý, nâng cao hiệu quả kinh doanh của các thương hiệu hiện tại, mặt khác mở rộng danh mục đầu tư làm tiền đề cho việc huy động vốn sau này.

Theo Nguyễn Hoàng Tuấn, cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua đã làm suy giảm nguồn lực của rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Họ rất cần vốn để duy trì và phát triển. Nhưng ngoài bài toán về lợi nhuận và tăng trưởng, quy mô nhỏ, mô hình quản lý kiểu gia đình, năng lực nhân sự thiếu đồng bộ đã phần nào hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn quốc tế. Chưa kể đến, một lần gọi vốn cũng ngốn rất nhiều thời gian, chi phí và công sức của doanh nghiệp.

Không ngạc nhiên khi anh tiết lộ đã có nhà đầu tư đặt vấn đề rót vốn vào mảng bán lẻ khi mảng này đang chiếm 70% doanh số của cả Group. Dù tăng trưởng hằng năm của mảng bán lẻ vẫn rất cao từ 20% đến hơn 50% tùy từng lĩnh vực, nhưng với sự rót vốn của đối tác mới, có lẽ trong tương lai không xa bất động sản cũng sẽ mang lại những con số tài chính mới cho Sơn Kim Group.

“Bên cạnh việc đưa con số doanh thu vượt qua 1.000 tỉ đồng thì việc cơ cấu lại tỉ lệ doanh thu giữa bán lẻ và bất động sản cân bằng ở mức 50/50 là mục tiêu của Sơn Kim trong năm tới”, Nguyễn Hoàng Tuấn cho hay.

Latest news